Hai ca khúc "Em của ngày hôm qua", "Cơn mưa ngang qua" của Sơn Tùng M-TP đang được Ban tổ chức chương trình Bài hát yêu thích nghiên cứu để xác minh chuyện đạo nhạc.
Đi lên từ giới underground, trải qua hơn 3 năm hoạt động khá tích cực, hiện tại Sơn Tùng M-TP là một trong những cái tên đáng chú nhất của làng nhạc Việt. Anh gây ấn tượng không chỉ nhờ ngoại hình sáng, vũ đạo điêu luyện mà còn ở khả năng sáng tác tốt, chịu khó cập nhật các xu hướng âm nhạc mới. Tuy nhiên, Sơn Tùng M-TP có thói quen sử dụng beat của các ca khúc nước ngoài trong sáng tác của mình. Điều này thể hiện rõ nhất trong 4 ca khúc hit của anh là Em của ngày hôm qua, Cơn mưa ngang qua, Em đừng đi, Nắng ấm xa dần.
M-TP giành chiến thắng tại chương trình bài hát yeu thích tháng 10/2012 với ca khúcCơn mưa ngang qua |
Trong những ngày gần đây, vấn đề đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP tiếp tục được đưa ra tranh luận gay gắt. Ca khúc Em đừng đi ra mắt từ năm 2011 của giọng ca 20 tuổi bị phát hiện có nhiều điểm tương đồng với ca khúc Stillcủa nhóm nhạc Nhật Bản Flower. Sự việc phát triển tới đỉnh điểm khi Sơn Tùng M-TP lên tiếng thừa nhận mình có sử dụng beat nhạc trên mạng. Khán giả và giới chuyên môn đánh giá cao động thái này của Sơn Tùng. Tuy nhiên, việc làm này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới những giải thưởng có liên quan tới các sáng tác của anh. Hai ca khúc Cơn mưa ngang qua và Em của ngày hôm qua đang đứng trước nguy cơ bị tước danh hiệu tại sân chơi Bài hát yêu thích.
Trao đổi với phóng viên Zing.vn về vấn đề này, đại diện chương trình Bài hát yêu thích cho biết vẫn chưa có quyết định gì đối với ca khúc Em của ngày hôm qua. Tuy nhiên, chương trình đang nhờ các nhạc sĩ, các thành viên hội đồng tổ chức thẩm định và có ý kiến về việc làm giai điệu (melody) trên bản hòa thanh (beat) có sẵn có bị cho là đạo nhạc hay không. "Câu hỏi hiện nay là mức độ sáng tạo được đánh giá đến đâu, người viết giai điệu là chủ sở hữu bao nhiêu phần trăm của một bài hát khi dựa trên một bản phối khí của người khác, bản phối khí này thuộc về ai và lấy trên mạng là lấy từ đâu và ai là nguồn cung cấp cho họ, nguồn cung cấp này có bản quyền hay không... Vẫn còn khá nhiều câu hỏi phức tạp mà chúng tôi cần tham vấn. Chúng tôi đang cần thời gian để xử lý vụ việc cho thật thấu đáo vì vấn đề này khá mới mẻ và chưa có tiền lệ, hơn nữa nó dính dáng đến việc tác quyền vốn dĩ đã khá phức tạp. Hiện đang có dư luận trái chiều cũng như có nhiều ý kiến khác nhau của các nhà chuyên môn về việc này" - đại diện chương trình chia sẻ.
Ban tổ chức khẳng định sẽ có những quyết định hợp tình, hợp lý khi sự việc có những diễn biến mới cụ thể. Sơn Tùng M-TP đang đi lưu diễn tại Nga nên chưa có phát ngôn về sự việc.
Lần thứ 2 Sơn Tùng M-TP bước lên bục nhận giải tại chương trình Bài hát yêu thích tháng 2/2014 với ca khúc Em của ngày hôm |
Từ trước đến nay, vẫn có rất nhiều ca khúc ra mắt dựa trên giai điệu và beat nhạc nước ngoài, đặc biệt là nhạc Hàn và Nhật. Điều này được giới underground chấp nhận bởi những “nghệ sĩ ngầm” chỉ làm nhạc với niềm đam mê và chia sẻ cá nhân với nhau. Tuy nhiên, các ca khúc của Sơn Tùng M-TP lại được anh trình diễn trong rất nhiều sân khấu lớn và gửi đề cử trong chương trình Bài hát yêu thích. Với một người làm nhạc chuyên nghiệp, đây là điều khó có thể chấp nhận.
Đánh giá về sự việc lần này, giới chuyên môn cũng có nhiều cái nhìn khác nhau. Nhạc sĩ Dương Khắc Linh chia sẻ trên trang cá nhân của mình: "Thế nào là đạo nhạc? Linh muốn chỉ để các bạn không phải thắc mắc nữa. Các ca khúc trên thế giới có thể có nhiều bài trùng nhau về vòng hoà thanh, nhưng không thể giống cả hoà thanh và hoà âm. Một nhạc sĩ khi hoà âm một bài hát, họ có bản quyền chất xám của mình trên bản hoà âm đó. Nếu một nghệ sĩ muốn dùng bản hoà âm đó để viết nhạc thì phải mua, hoặc có sự đồng ý của tác giả, cho dù họ có thay đổi giai điệu hay không.
Bên nước ngoài, một ca khúc thường được nhiều nhạc sĩ sáng tác chung, người nghĩ ra hoà thanh, nghĩ ra giai điệu, viết lời, người hoà âm đều là những cá nhân đóng góp vào sự thành công của ca khúc và đều được hưởng lợi nhuận với mức % khác nhau khi ca khúc thu được lợi nhuận.
Nếu lấy một bản hoà âm đã có sẵn của một ca khúc đã được ra mắt của một ca sĩ khác và viết một giai điệu mới lên, thì vẫn bị gọi là lấy cắp, vì hiển nhiên chưa được sự đồng ý của tác giả. Hơn nữa, khi ca sĩ đã thu lợi nhuận từ việc biểu diễn những ca khúc này, bán nhạc chuông nhạc chờ từ những ca khúc này thì lại càng phạm luật.
Điều mà ít người biết. Đó là ngày xưa, thời của nhạc cổ điển thì luật bản quyền chưa tồn tại. Vì vậy có rất nhiều người sử dụng nhạc cổ điển để cho vào ca khúc của mình, điều đó hoàn toàn đúng luật. Hơn nữa, họ vẫn luôn luôn tôn trọng người nhạc sĩ sáng tác, và luôn để rõ ràng tên của họ. Ở thời hiện đại, từ khi âm nhạc có thể được kinh doanh và làm ra lợi nhuận thì bản quyền là cực kỳ quan trọng. Các bạn trẻ không nên lầm tưởng là lấy beat của người khác viết là điều đáng làm, mà ngược lại, là điều đáng tránh".
Thậm chí Dương Khắc Linh còn cho biết, phía Hàn Quốc đã phát hiện ra chuyện Sơn Tùng "vay mượn beat" Every night của Exid và phẫn nộ gọi điện cho anh khiến anh cảm thấy xấu hổ khi làm việc với họ.
Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh thẳng thắn nhận xét: “Thời gian vừa qua, Sơn Tùng gây xôn xao với hàng loạt thông tin sử dụng beat trên mạng để viết ca khúc của mình. Theo Ninh nghĩ, cậu ấy mới bước vào showbiz thì việc sáng tác dựa trên beat có sẵn cũng khá bình thường. Tuy nhiên, việc sử dụng beat nước ngoài chỉ nên dừng lại ở việc tập hoặc chia sẻ với bạn bè, chứ không nên mang đi diễn chuyên nghiệp hay có những sản phẩm âm nhạc thu lợi nhuận.
Với trường hợp của Sơn Tùng M-TP, cậu ấy đã vi phạm luật tác quyền khi lấy lại y nguyên phần beat của bản gốc để viết giai điệu mới mà không xin phép hay trả tiền, thậm chí còn đi biểu diễn và thu lợi nhuận nhạc chuông nhạc chờ. Và đây là điều không nên với một người ca sĩ xác định gắn bó, theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp".
Trái ngược với Dương Khắc Linh, nhạc sĩ Nguyễn Cường - người đã đề cử ca khúc Cơn mưa ngang qua vào bảng xếp hạng Bài hát yêu thích - lên tiếng: "Việc khẳng định Sơn Tùng đạo nhạc hay ăn cắp trí tuệ là không đúng. Từ những năm 1980, khi học nhạc ở Học viện âm nhạc, tôi đã trải qua một thời gian đào tạo do giáo viên người Nga dạy, tức là làm giai điệu trên bản hòa thanh có sẵn. Đây là một môn học chính thức ở một trường chuyên về âm nhạc, vậy thì việc sử dụng bản beat có sẵn là hoàn toàn hợp lý, và đây cũng là xu hướng làm bài hát của giới trẻ Việt Nam hiện nay mà trên thế giới đã áp dụng cách đây trăm năm. Vấn đề ở đây là khán giả có chấp nhận xu hướng đó không lại là một câu chuyện khác. Phải khẳng định lại với các bạn là dùng bản hòa thanh có sẵn thì không thể gọi là ăn cắp nhạc".
Không phải ngẫu nhiên sự việc đạo nhạc của M-TP Sơn Tùng lại nóng lên trong thời điểm này. Anh đang là một trong số những nghệ sĩ trẻ có lượng fan hùng hậu nhất và hoạt động trong công ty giải trí chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam. Rất có thể con đường mà Sơn Tùng chọn đi ngày hôm nay sẽ được nhiều nghệ sĩ trẻ khác học tập và noi theo. Bởi vậy, việc làm rõ đúng sai không đơn thuần là câu trả lời mà còn là sự định hướng cần thiết cho nhạc Việt vào giai đoạn này.
Một số ca khúc do Sơn Tùng M-TP sáng tác khi được so sánh với phiên bản Hàn có một sự giống nhau rất dễ nhận ra.
Cơn mưa ngang qua với ca khúc gốc mang tên Sarangi Mareul Deutjianha của nhóm nhạc Namolla-Hàn Quốc.
Trong khi đó, ca khúc Em của ngày hôm qua dù đã được M-TP giải thích về sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa việc sử dụng hợp âm vòng trong sáng tác vẫn bị khá nhiều fan thắc mắc về sự giống nhau giữa ca khúc này với Every night của nhóm Exid.
Ca khúc Gió cuốn em đi do M-TP sáng cho Quốc Thiên được đánh giá là rất thành công nhưng vẫn được fan truy ra có sự dính dáng với bản hit Hello của nhóm Nuest.
Nguồn : Zing
Đăng nhận xét
Đăng nhận xét