COI NGƯỜI KHÁC SỐNG HAY SỐNG CHO NGƯỜI KHÁC COI?
Hồi mới vào Sài Gòn, lên nhà văn hoá Thanh Niên sinh hoạt, bạn P, chung trường cấp 3 với Tony, có dặn là ai hỏi mình quê đâu thì mày nói ở trung tâm Nha Trang nghen, hạc trường Lê Quý Đôn, mày chuyên Anh, tao chuyên Toán. Tony vì không quen nói dối nên mới nói thôi mày ơi, mình ở quê hạc trường huyện thì có sao. Nó nhất quyết nói mày nói ở huyện người ta sẽ khinh, phải biết "làm mày làm mặt", đó là sự khôn khéo. Không biết từ bao giờ, nói DỐI được xem là nói KHÉO. Cái mình nghe nó nói vậy, cũng muốn trở thành người nói khéo nên lần nào cũng có bài đó đưa ra. Có lần gặp 1 bạn trường Lê Quý Đôn thiệt, cái bạn hỏi ủa khoá mấy, biết thầy X cô Y hem,..giữa đám đông nó cứ truy vấn làm Tony thẹn đỏ mặt vì nó kết luận là " bạn ở đâu thì nói ở đó chứ mắc gì phải làm vậy". Tony từ bỏ sau lần xấu hổ ấy. Sĩ diện là nguồn gốc của nói dối và cuộc đời cứ như một vở kịch, diễn mãi diễn mãi đến kiệt sức mới thôi.
Tony quen anh bạn kia người Bắc Giang nhưng có đăng ký hộ khẩu ở Hà Nội nên trên chứng minh nhân dân ghi thường trú ở đường Lê Thánh Tông, khu tập thể gì đó. Gặp Tony, bạn ấy nói tôi người Hà Nội gốc, 3 đời nay, bạn xem cốt cách của tôi có thanh lịch không. Tony thì biết rồi, do tự mình cũng từng nói kiểu vậy, nên chỉ ghi nhận. Nhưng thắc mắc tại sao người ta phải nể người ở phố, càng trung tâm càng nể, hạc vô trường đầu vào cao thì nể phục....trong khi cái cần phải nể chính là nhân cách của người đó như thế nào, đối nhân xử thế ra sao, có làm được gì cho đời không. Cứ có chuyện xảy ra kém văn minh xảy ra thì người ở phố nói là "dân ngoại tỉnh gây ra" chứ chúng tôi dân gốc ở đây, tự nghĩ mình là cao sang quý phái, ai chê bai tôi không chịu được. Còn mấy người nhập cư thì cãi lại, nói người "kẻ chợ" đấy làm rồi đổ cho chúng tôi, chúng tôi biết mình nhà quê nên nào có dám, đi lại ăn uống đã không tự tin rồi. Họ văn minh đi, chúng tôi ắt sẽ theo. Cứ suốt ngày gốc gốc ngọn ngọn, nghe bắt mệt. Sau này anh bạn "gốc 7 đời" trong 5 cửa ô kể, chúng tôi mang danh người GỐC cũng mệt lắm. Sáng ngủ dậy là phải diễn xuất. Hồi còn bé, cứ sáng sớm không có gì ăn, bố mẹ tôi lại phát cho anh em tôi mỗi người một cây tăm, vừa đạp xe đi học vừa ngậm tăm để người ta nghĩ là vừa ăn cơm có thịt, hàng xóm lại trầm trồ khen nhà đấy có của ăn của để, để cha mẹ tôi hãnh diện. Bố mẹ tôi cố vay tiền để mua cái tủ lạnh Liên Xô, để đủ thể loại thịt trứng trong đấy, nhưng chỉ ăn khi có người bà con đến thăm, bình thường vẫn nước mắm rau muống luộc. Thói quen ngậm tăm theo anh mãi đến giờ, nên có lần té xe, người không sao chỉ có trầy xước vòm họng. Anh đang cố mua bằng tiến sĩ ở mấy diploma mill của Phillpines hay Mỹ để được nể trọng là có trình độ hạc vấn cao. Anh cũng sẵn sàng vay tiền mua ô tô dựng trước nhà nhưng chả biết đi đâu. Cuối tuần anh phải đi tập đánh gôn, vì thói quen cuốc đất nên cú swing mạnh quá, sân golf cứ mấy bữa là phải trồng lại cỏ.
Sài Gòn là dân tứ xứ hội tụ về. Nên người ta hay hỏi, em quê đâu. Nhiều bạn trả lời theo kiểu cứ nói được giọng bắc thì quê em ối giời ơi trung tâm cực, nhà em chỉ cách Tháp rùa 200m (chắc nhà bạn ấy nằm ngay quán kem Thủy Tạ hay bưu điện Hà Nội và tuổi thơ chỉ chơi với mỗi ...con rùa nếu nhà trong bán kính này) chứ hẻm dám nói ở Cổ Nhuế. Có bạn còn ở Sơn La Mộc Châu nhưng cũng nói nhà em có ông bác ở Hà Nội, tuần nào chả xuống uống cà phê Nhân hay ăn bún chả Hàng Mành. Cố vớt vác cho nó có hơi hướm thành thị. Còn nếu mặc dù là dân Tuy Hòa nhưng vô mấy năm, sửa được giọng nam, tức giọng Sài Gòn và mua được cái nhà Sài Gòn thì nói "trầu quâu quơ (trời ơi quê) em hửng, quơ em Sài Gòn chứ đâu, em sinh re ở trước cổng chợ Bến Thành, em thờ (thề) em nói thiệt, có ông Yersin và ông Pasteur làm chứng nè". Còn có người Huế vào Sài Gòn làm việc, mặc dù ở tuốt trên huyện miền núi A Lưới chứ ai hỏi cũng nói, "Dạ thưa nhà em ngay Ngọ Môn Đại Nội, trung tâm ghê lắm nghe, răng mà anh không biết hè?".
Tony cũng có quen chị kia tên Lâm người Bạc Liêu, chị ấy cũng nói mình quê gốc ngay trung tâm thị xã, cho số nhà tên đường. Có lần Tết, Tony gọi chị ấy tâm sự, chị nói chị đang ở nhà, Tony cũng đang ở miền Tây du hí nên mới muốn làm cho chị ấy bất ngờ. Chạy tới Bạc Liêu chơi, ghé đúng số nhà tên đường, tới nơi bấm chuông có ông bảo vệ già ra nói, đây là nhà bảo tàng tỉnh, không có con Lâm nào ở đây.
Tony chỉ nể ai làm được. Còn gốc gác xuất thân, hạc hành bằng cấp gì đó không quan tâm. Mình như thế nào thì cứ SỐNG ĐÚNG cho nó sướng, mắc mớ gì cứ COI NGƯỜI KHÁC SỐNG và SỐNG CHO NGƯỜI KHÁC COI? Coi người khác sống là tính tiểu nông tò mò. Sống cho người khác coi là tính sĩ diện. Cả hai đều không văn minh, cũ lắm, xưa lắm...
Đăng nhận xét
Đăng nhận xét