Tôi đã và đang làm công nhân được một thời gian, tự cảm thấy như thế là đủ với mình. Thỉnh thoảng lại nghĩ liệu sau này có cơ hội dùng tấm bằng đại học kia không khi mình chẳng yêu và có nhiệt huyết đối với nó?
Một lần tình cờ lên mạng tôi vô tình đọc được câu nói: Lấy người mình yêu, ăn thứ mình thích và làm điều mình muốn thì bạn đã là tỷ phú của tâm hồn. Tôi tự biết mình không được làm tỷ phú của tâm hồn khi học cái mình không thích. Chuyện lại kể từ khi còn học cấp 2, bắt đầu được ý thức và môn học mình yêu thích, tôi rất thích khối C, đặc biệt là môn lịch sử. Không hiểu sao hồi đó tôi nhớ những sự kiện lịch sử cũng như những mốc thời gian rất giỏi, đến các bạn trong lớp phải ngạc nhiên khi tôi cũng chỉ là cậu học sinh bình thường, không nổi bật.
Năm lớp tám tôi được chọn đi thi học sinh giỏi huyện môn sử nhưng không được giải gì. Tôi nghĩ một phần không phải vì kém cỏi mà vì thầy dạy bồi dưỡng của tôi chưa có kinh nghiệm. Lúc thi lên cấp ba tôi may mắn khi đỗ vào trường chính quy của huyện. Khi tôi học là khóa đầu tiên sách giáo khoa được cải cách và phân ban, tôi mua đơn nguyện vọng về đăng ký vào ban cũng như khối mình yêu thích để phục vụ cho kỳ thi đại học trong tương lai. Tôi đã chọn khối C thuộc ban xã hội nhưng chị gái lại yêu cầu tôi học khối A và đã đăng ký ban tự nhiên cho tôi (vì không phải là người học lệch nên tôi học cũng được môn toán), từ đó tôi học và thi đại học khối A. Ngày đấy cũng chưa buồn lắm vì chưa xác định được tầm quan trọng của nó.
Rồi tôi đỗ vào một trường đại học khối kỹ thuật, trường này lại do bố tư vấn và muốn con mình thi. Càng học tôi càng cảm thấy khô khan, học một thứ mình không thích thì sự nhiệt huyết và quyết tâm đều bị giảm đi rất nhiều. Rồi tôi cũng hoàn thành chương trình học đúng thời hạn với tấm bằng trung bình khá trong tay. Không đáng xấu hổ khi trường tôi mỗi năm sinh viên tốt nghiệp chỉ khoảng 70%, số còn lại do nợ môn, chưa đủ điểm.
Hiện nay tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường thất nghiệp rất nhiều, tôi cũng không ngoại lệ vì giờ tôi đã biết quy luật xã hội rằng: "Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ và bốn là trí tuệ". Học ngành mình không thích khi ra trường làm tôi càng cảm thấy chán nản vì một thời gian ngắn xin việc không được (học kỹ thuật như tôi thường phải có kinh nghiệm nhà tuyển dụng mới để ý). Một phần tôi không tự tin vì kiến thức mình học trong trường, các trường đại học bây giờ đào tạo cực kỳ chán làm cho sinh viên ra trường không dám tự tin trước nhà tuyển dụng. Cộng thêm tôi không có nhiệt huyết và niềm yêu nghề nên thích làm trái ngành.
Tôi đi tìm sự phù hợp và thử vận may của mình với những ngành khác, cũng cố gắng tận dụng mối quan hệ nhờ vả người quen mà không ăn thua. Từ đó tôi chán nản và nghĩ chấp nhận số phận, vứt xó cái bằng đại học đi làm anh công nhân quèn cho thanh thản và cũng nhẹ đầu.
Tôi đã và đang làm công nhân được một thời gian, tự cảm thấy như thế là đủ với mình. Thỉnh thoảng lại nghĩ liệu sau này có cơ hội dùng tấm bằng đại học kia không khi mình chẳng yêu và có nhiệt huyết đối với nó? Vì thế tôi khuyên các bạn nên học và theo đuổi cái mình đam mê. Các bạn hãy cố gắng theo đuổi ước mơ vì khi đó sẽ có nhiều nhiệt huyết và ý nghĩa trong cuộc sống, bởi mình đã làm được điều gì đó mong muốn mặc dù nó không hoàn hảo. Đừng như tôi để rồi rơi vào tình trạng chán nản, không tự tin khi cầm tấm bằng mình học trên tay đi xin việc.
Nguồn: Vnexpress
Đăng nhận xét
Đăng nhận xét