Sự khác biệt trong phong cách sống Sài Gòn và Hà Nội đầu tiên phải kể đến có lẽ là cách chào đón buổi sáng của người dân hai thành phố. Café sáng ở một góc thành phố, đọc một vài tờ báo để nắm bắt tin tức trước giờ vào công sở có lẽ là cách chào ngày mới của nhiều người dân Sài Gòn. Ly café đen đá hoặc bạc sỉu (café rất nhiều sữa) gần như là thức uống không thể thiếu với người Sài Gòn. Còn ở Hà Nội, ngày mới có vẻ bắt đầu sớm hơn một chút, vì người Hà Nội thường trải qua buổi sáng với việc tập thể dục, hít thở không khí trong lành ban sớm.
Bữa sáng của người sống ở hai thành phố lớn cũng ít nhiều khác biệt. Người Sài Gòn đôi lúc dùng café thay cho bữa sáng, nhưng nếu ăn uống “nghiêm túc” hơn, họ thường chọn các tiệm ăn lớn, sang trọng, rộng rãi ở mặt đường. Không hẳn vì người Sài Gòn “sang chảnh” trong chuyện ăn uống, chỉ đơn giản vì các quán hàng ở thành phố này thường có mặt bằng rộng và vì thế, hiếm khi quá đông đúc. Ở Hà Nội, đôi khi chỉ cần một dãy ghế xếp dọc con ngõ cũng đủ để các thực khách thưởng thức bữa sáng. Người Hà Nội có thể ăn sáng tại các quán vỉa hè, bên lề đường hoặc cửa hàng rất nhỏ, miễn là quán phục vụ thức ăn ngon.
Trái với bữa sáng chỉn chu, người Sài Gòn ăn vặt rất đơn giản. Các xe rong bán trái cây, chè, nước dừa… có thể thấy ở khắp nơi trên đường phố Sài Gòn. Nếu bận rộn, nhiều khi người Sài Gòn ăn vặt tại chỗ, cắn một góc bịch chè rồi… mút hoặc gác chân chống xe uống một ly nước dừa, bận hơn nữa thì bỏ nước, đồ ăn vặt vào bịch, vừa đi vừa “chén”. Còn ở Hà Nội, người ta ăn vặt có vẻ thảnh thơi hơn, ngồi trong quán thưởng thức các món ăn và ngắm đường phố.
Dịp cuối tuần, người Sài Gòn thường kéo nhau đi ăn tiệm, thưởng thức những món đặc biệt như cơm gà xối mỡ, mì xào hải sản… Xong bữa, cả nhà có thể đi xem kịch thiếu nhi, xem hài ở các sân khấu. Còn ở Hà Nội, cuối tuần thường là dịp cả gia đình quây quần bên nhau. Đi công viên chơi để trẻ con có thể hưởng không khí trong lành là cách kết thúc dịp cuối tuần của nhiều người Hà Nội.
Không quá câu nệ phép tắc hay giữ ý cũng là điểm nổi bật trong phong cách sống Sài Gòn. Nếu bạn là khách đến chơi một gia đình Sài Gòn giữa bữa cơm và được mời ăn, bạn cứ vô tư lấy thêm chén đũa để cùng thưởng thức với họ. Ở Hà Nội, khách khứa hiếm khi đến vào đúng giờ cơm. Nếu có khách, gia chủ thường hoãn bữa cơm để tiếp khách xong xuôi, hoặc “mời” khách cho đúng phép lịch sự, nhưng khách sẽ không dùng bữa với gia đình.
Sự sòng phẳng, thẳng thắn trong các mối quan hệ xã hội là điều mà nhiều người sống ở Sài Gòn cảm nhận rất rõ. Khi được bạn bè rủ đi ăn chơi, nếu không được nhân vật chính thông báo trước: “Hôm nay mình bao”, điều đó có nghĩa là, ai tự trả tiền người nấy. Và bạn hoàn toàn có thể từ chối, nếu cảm thấy mình đang “cháy túi” mà không việc gì phải ngại. Ở Hà Nội, nếu gặp phải tình huống này, bạn có thể hiểu bạn đang được mời đi ăn miễn phí, hoặc cũng có thể phải trả tiền gấp đôi, gấp ba số tiền dự kiến.
Những cuộc tụ tập bạn bè ở Sài Gòn thường diễn ra vào buổi chiều, sau khi tan sở. Người Sài Gòn thường gặp bạn ở quán nhậu, và cuộc gặp có thể kéo dài từ chiều đến tối hoặc tới… khuya, tùy vào độ ham vui và tới bến của các thành viên tham gia. Còn ở Hà Nội, thời gian để “chém gió” với bạn bè thường là sau bữa tối. Sang một chút là café, còn thông dụng hơn, vài ly trà đá, một đĩa hướng dương cũng đủ cho một cuộc vui.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cả hai cô gái cùng yêu thích một mẫu váy đẹp trong cửa hàng thời trang? Một cô gái Sài Gòn sẽ hỏi: “Bạn mua váy này rồi à?”, nếu người kia đã mua, cô gái ấy sẽ lựa cho mình cái khác, vì đơn giản, cô ấy không thích bị đụng hàng. Còn một cô gái Hà Nội, việc đụng hàng chẳng có gì ghê gớm, miễn là chiếc váy đó đẹp và cô ấy “bồ kết” nó.
Quan điểm về sự giàu có của Sài Gòn và Hà Nội cũng khá khác nhau. Người Sài Gòn có thể đi dép kẹp, mặc quần áo giản dị đi vào những trung tâm thương mại, khách sạn sang trọng, không vấn đề, miễn là họ có rủng rỉnh tiền để tiêu xài. Với người Sài Gòn, thước đo sự giàu có chính là cách bạn tiêu tiền. Còn với nhiều người Hà Nội, giàu có đồng nghĩa với việc bạn có nhiều tài sản tích trữ.
Sự khác biệt trong phong cách sống của người dân hai thành phố cũng thể hiện qua nhà cửa. Nhà ở Sài Gòn thường chỉ có 1 tầng, rộng và dài, được xây theo hình ống. Nhà ở Hà Nội, cũng như những con ngõ của thành phố này, thường có diện tích nhỏ và có nhiều tầng.
Quan điểm về sự giàu có cũng ảnh hưởng ít nhiều đến cách người dân chọn xe. Với người Sài Gòn, xe cộ chỉ đơn giản là phương tiện để di chuyển, vì thế, họ không chú trọng lắm vào việc “chải chuốt” xe hay mua xe mới. Trên đường phố Sài Gòn, người ta có thể nhìn thấy những loại xe cổ từ vài thập niên trở về trước. Còn với người Hà Nội, chiếc xe không chỉ là phương tiện mà còn là một thứ trang sức, thế nên, người ta dễ thấy những chiếc xe đời mới tràn ngập phố phường Hà Nội.
Sự khác biệt giữa giao thông ở Hà Nội và Sài Gòn cũng khá thú vị. Ở Sài Gòn, xe cộ khi lưu thông trên đường khá nghiêm túc, ít có chuyện vượt đèn đỏ, lấn làn đường, không đội mũ bảo hiểm. Còn một điều đặc biệt nữa là ở đa phần các con đường ở Sài Gòn, người dân có thể rẽ phải khi đèn đỏ; một số nơi thậm chí còn cho phép rẽ trái khi đèn đỏ. Ở Hà Nội, lưu thông trên đường vào giờ cao điểm quả thực là ác mộng khi các xe máy, xe ô tô chen chúc, lấn làn nhau. Cảnh xe máy đi trên vỉa hè lúc tắc đường, vượt đèn đỏ hay không đội mũ bảo hiểm thi thoảng vẫn có thể nhìn thấy ở Hà Nội.
Theo afamily
Đăng nhận xét
Đăng nhận xét